Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Cảnh giác với sự tương tác giữa tân dược và thảo dược

Người đăng: Nguyễn Hoàng Anh's Blog

Trong việc sử dụng thuốc phải hết sức cẩn trọng vì nhiều lẽ như sự tương tác bất lợi hay những thuốc gây hại cho các tạng phủ hoặc thuốc không bảo đảm đúng hàm lượng hoạt chất chính được đóng trong mỗi viên thuốc. Cũng như trong các chế phẩm thuốc về thảo dược dùng những nguyên liệu kém phẩm chất, sao tẩm, sấy bằng hóa chất có tồn lưu quá mức cho phép… Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến việc tương tác giữa tân dược và thảo dược.
Giữa thuốc tân dược và dược thảo có thể xảy ra sự tương tác với nhau khi sử dụng cùng lúc. Các hoạt chất để điều chế ra thuốc tân dược thường có nguồn gốc từ dược thảo như atropine được phân lập từ cà độc dược; hay strychnine được chiết ra từ hạt mã tiền… Về sau có một số thuốc tân dược khi phát hiện được cấu trúc phân tử thì được áp dụng công nghệ hóa học để tổng hợp thành như vitamin B12, insulin…
Trong sự tương tác này có tương tác có lợi khi cùng tăng cường làm khả năng trị liệu hay hỗ trợ trị liệu. Nhưng có tương tác gây nguy hiểm như thuốc này cản trở tác dụng của thuốc kia hoặc kìm hãm hay làm giảm tác dụng trị liệu của nhau. Đáng lo ngại hơn là khi có mặt của cả hai loại thuốc sẽ tạo thành một chất độc gây nguy hiểm cho người bệnh hoặc làm tăng độc tính vốn có ở thuốc...
 Có sự tương tác giữa tân dược và thảo dược nếu sử dụng cùng lúc.
Để xác định khả năng tương tác giữa thuốc tân dược và dược thảo hiện nay cần có sự hướng dẫn cụ thể của các thầy thuốc và các nhà dược học. Vì khi biết giữa thuốc tân dược và một dược thảo nào đó có xảy ra tương tác hay không phải dựa vào lĩnh vực dược gen học và dược động học để phát hiện tương tác thuốc liên quan đến chuyển hóa thuốc bằng phản ứng ôxy hóa. Khi dùng, thuốc sẽ bị gan chuyển hóa ở hai giai đoạn: giai đoạn liên hợp thuốc với chất sinh học có trong cơ thể (như acid glucuronic) và giai đoạn thuốc bị ôxy hóa bằng các enzym chuyển hóa thuốc như cytochrom P450. Thuốc này làm tăng cường hoặc ức chế enzym chuyển hoá thuốc để làm thuốc kia không còn tác dụng hoặc tăng độc tính gây tai biến. Các nghiên cứu phải dùng một hệ thống gồm nhiều chất được gọi là “cocktail” approach (gồm caffein, dapson, mephenytoin, chloroxazone...) để tác động vào hệ thống các enzym CYP450 như caffein tác động vào CYP450 loại 1A2, dapson tác động vào loại 2E1... và từ đó mới sàng lọc được các dược thảo có tác động đến hệ thống enzym chuyển hoá thuốc ở gan để dự đoán chúng có gây tương tác giữa thuốc này với thuốc kia hay không. Ngoài ra còn sàng lọc “genotype” để phát hiện loại người nào dễ bị tương tác thuốc khi dùng thuốc tân dược và dược thảo cùng lúc.
Chính vì vậy, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc khi đang dùng loại thuốc nào cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết để tránh các tương tác bất lợi có thể xảy ra khi dùng tiếp một loại thuốc khác, kể cả khi đó là tân dược hay thảo dược.
BS. Hoàng Thanh Sơn

0 nhận xét: